Cuối đời và vinh danh Ngụy Trưng

Cuối đời

Ngụy Trưng tuy chức Thị trung (ngang hàng Tể tướng), nhưng vẫn ở trong ngôi nhà đơn sơ.

Năm Trinh Quán thứ 16 (642), ông bị bệnh nặng, Thái Tông đã cho dùng những vật liệu chuẩn bị xây dựng cung điện để sửa sang nhà cửa cho ông. Nhưng Thái Tông biết thói quen của Ngụy Trưng, không dám cầu kỳ. Một hôm, Thái Tông tới bên giường Ngụy Trưng thăm hỏi, rơi lệ hỏi Ngụy Trưng có dặn dò gì. Ngụy Trưng nói: "Vợ con, thần không vương vấn, duy chỉ có mối lo tới sự an nguy của quốc gia". Ông luôn đau đáu về việc Thái Tông sẽ phế Lý Thừa Càn, lo sợ người kế nhiệm đất nước. Mấy hôm sau, một đêm Thái Tông nằm mộng thấy bệnh tình của Ngụy Trưng đã thuyên giảm, trong buổi thiết triều, ông lại cất lời can gián. Nhưng sáng sớm, Thái Tông được báo tin Ngụy Trưng đã qua đời. Đó là ngày 23 tháng 1 năm Trinh Quán thứ 17 (643).

Nhà vua vô cùng đau đớn, bèn đích thân tới nhà khóc thương, ban lệnh không thiết triều năm ngày, cho dùng những nghi thức trang trọng nhất để cử hành tang lễ. Nhưng bà quả phụ Bùi thị nói: “Ngụy Trưng một đời cần kiệm giản dị, dùng nghi thức trang trọng thế này sao phù hợp với chí hướng của ông ấy”, bà từ chối không tiếp nhận. Cuối cùng, Thái Tông đành cho người dùng xe trâu đưa quan tài tới nơi chôn cất.[4]

Đường Thái Tông thương xót ông vô cùng mà đưa ra những lời nhận xét nổi tiếng sau này được Tư Mã Quang ghi lại trong Tư trị thông giám:

Soi vào gương bằng đồng, ta có thể biết quần áo của mình có ngay ngắn không. Dùng lịch sử làm gương soi, có thể biết nguyên nhân hưng vong của một triều đại. Lấy người làm gương soi, có thể biết việc mình làm là đúng hay sai. Ngụy Trưng mất đi, là trẫm mất một tấm gương soi tốt.

Sau khi việc hậu sự đã hoàn tất, trong hòm sách của Ngụy Trưng người ta phát hiện một biểu chương, đó là những dòng chữ cuối cùng của ông trước lúc lâm chung. Chữ viết không được rõ ràng, chỉ có mấy dòng có thể đọc được, ý nói: Con người ai cũng có thiện ác, dùng thiện thì quốc gia bình an, dùng ác, quốc gia tất hỗn loạn. Với các đại thần trong triều, bệ hạ có thể yêu, có thể ghét. Nếu thích sẽ nhìn thấy cái thiện, không thích sẽ chỉ nhìn thấy cái ác. Chỉ khi nào nhìn thấy cái ác của người mình thích, thấy cái thiện của người mình không thích mới có thể dùng được hiền thần để chấn hưng quốc gia…

Thái Tông nói với quần thần: "Di biểu của Ngụy công viết đã rất rõ ràng, để tránh cho Trẫm mắc phải những sai lầm, các khanh hãy viết những dòng chữ này lên tường để nhắc nhở Trẫm từng giờ từng khắc".

Không lâu sau, Thái Tông hạ chiếu thư: “Thời gian qua, Ngụy Trưng đã chỉ cho Trẫm những sai sót của mình. Ngụy Trưng đã mất, Trẫm ngày càng không rõ, lẽ nào chỉ có lời của ông ấy mới dám chỉ ra những sai lầm của Trẫm? Các khanh nói, nếu Trẫm không tiếp thu đó là trách nhiệm của ta. Nếu ta tiếp thu, nhưng không có người nói thì đó là trách nhiệm của ai?”

Cuối đời, tuy vẫn bước tiếp trên con đường đã định, dần dần Đường Thái Tông cũng trở thành người tự mãn, nhưng mỗi lần ngồi một mình trên lầu cao, nhớ lại các danh tướng, hiền thần nhà vua vẫn không quên được Ngụy Trưng như đang đứng trước mặt.[4]

Vinh danh

Những đóng góp của Ngụy Trưng được nhà vua đánh giá rất cao, ông là một trong 24 công thần khai quốc nhà Đường được vẽ chân dung trên Lăng Yên các. Thụy hiệu của ông là Văn Trinh (文贞).

Ban đầu Đường Thái Tông hứa gả con gái của mình là Hành Sơn công chúa cho con trai cả của Ngụy Trưng là Ngụy Thúc Ngọc. Tuy nhiên về sau Thái Tông phát hiện rằng cứ mỗi lần soạn sách cho nhà nước, Ngụy Trưng đều giữ lại riêng cho mình một bản, cộng thêm việc Ngụy Trưng trước đó từng nhiệt tình tiến cử Hầu Quân Tập, người sau đó là quân sư cho Phế thái tử Lý Thừa Càn trong âm mưu lật đổ Thái Tông, nhà vua đã quyết định hủy bỏ hôn ước và đập tan bia mộ của Ngụy Trưng vốn nằm không xa mộ của Trưởng Tôn hoàng hậu.

Tới năm 645 sau khi thất bại trong cuộc tấn công Cao Câu Ly, Đường Thái Tông mới nhớ tới Ngụy Trưng vì nhà vua cho rằng nếu còn sống, hẳn Ngụy Trưng sẽ can gián mình tránh khỏi quyết định sai lầm này. Vì thế Đường Thái Tông quyết định cho lập lại bia mộ của Ngụy Trưng cho xứng với vị trí của ông trong lịch sử nhà Đường.